Kem dưỡng ẩm có thành phần SPF chống nắng đang là sự lựa chọn hàng đầu ở những người bận rộn hay lười sử dụng nhiều loại mỹ phẩm cùng lúc. Nhưng liệu các sản phẩm đa nhiệm này có cho hiệu quả thật sự tốt và cần lưu ý những gì khi lựa chọn kem dưỡng ẩm có SPF?
1. Kem dưỡng ẩm có SPF là gì?
Chỉ số SPF (Sun Protection Factor) thể hiện khả năng chống nắng trong khoảng thời gian nhất định của một loại mỹ phẩm, giúp bảo vệ làn da khỏi tia tử ngoại UVB trong ánh sáng mặt trời, phòng ngừa cháy nắng hay các loại ung thư da. Theo định mức quốc tế, 1 SPF sẽ bảo vệ da khỏi tia UVB trong 10 phút. Chỉ số SPF càng cao thì thời gian chống nắng càng lâu và hiệu quả chống tia tử ngoại càng tăng. Hiện nay, các loại kem chống nắng có SPF thấp nhất là 15 và cao nhất là 100.
Trong quy trình chăm sóc da hàng ngày, kem chống nắng được thoa cuối cùng trước khi trang điểm, sau bước dưỡng ẩm để tạo lớp màng bảo vệ da. Do đó, các loại kem dưỡng ẩm thường tích hợp thành phần SPF chống nắng.
Kem chống nắng được FDA xem như một loại thuốc bảo vệ da với các quy định nghiêm ngặt về tỷ lệ các thành phần. Thành phần SPF không có khả năng dưỡng ẩm và khôi phục độ ẩm trên da. Sau tối đa khoảng 90 phút sử dụng thì kem chống nắng sẽ giảm tác dụng và cần thoa lại. Vì thế các loại kem dưỡng ẩm được bổ sung thành phần SPF chống nắng sẽ không thể thay thế được kem chống nắng, chỉ có thể bổ trợ thêm khả năng chống nắng bảo vệ da.
2. Lưu ý khi sử dụng kem dưỡng ẩm có SPF
Theo các bác sĩ da liễu, không nên chỉ sử dụng kem dưỡng ẩm có chỉ số SPF mà không dùng thêm kem chống nắng. Bởi vì khi thành phần chống nắng phối hợp với kem dưỡng ẩm thì SPF sẽ bị giảm đi, không đủ khả năng bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời.
Một nghiên cứu được thực hiện ở 84 người (22 nam và 64 nữ) trong độ tuổi 18 đến 57. Nhóm nghiên cứu được tiếp xúc với tia UV vào cùng một địa điểm, thời điểm trong hai lần khác nhau và được chụp lại bằng thiết bị chuyên dụng nhạy cảm với tia cực tím. Lần thứ nhất họ tiếp xúc sau khi thoa kem chống nắng; lần thứ hai tiếp xúc sau khi thoa kem dưỡng ẩm có SPF. Kết quả là kem dưỡng ẩm chống nắng không làm giảm thiểu bức xạ mặt trời chiếu vào da, nó làm giảm 16,6 % mức độ che phủ khuôn mặt đặc biệt là ở vùng mắt. Còn kem chống nắng riêng biệt chỉ bỏ qua 11,1% vùng da không được che phủ tốt.
Điều này không có nghĩa là không nên sử dụng kem dưỡng ẩm có SPF mà nên kết hợp kem dưỡng ẩm có SPF với một loại kem chống nắng để sẽ làm tăng hiệu quả bảo vệ da và giúp các lớp trang điểm trở nên đều đặn và đẹp hơn.
Nên thoa một lớp kem dưỡng ẩm trên da trước khi dùng kem chống nắng để cấp ẩm tốt hơn, làm da không bị mất nước và khô ráp. Cách sử dụng tốt nhất là thoa kem dưỡng ẩm trước khoảng 5 phút, sau đó thoa thêm kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 đến 60 vào mỗi sáng trước khi dùng các loại mỹ phẩm trang điểm.
Nếu bạn không có thời gian sử dụng kem chống nắng hoặc trong tình huống buộc phải sử dụng kem dưỡng ẩm có SPF thì nên chú trọng thoa kem đều ở vùng mí mắt và phải bôi kem lại sau mỗi 2 giờ.
3. Cách lựa chọn kem dưỡng ẩm thích hợp cho từng loại da
Để đạt hiệu quả chăm sóc da tốt nhất bạn nên biết cách lựa chọn kem dưỡng ẩm thích hợp cho tình trạng làn da:
Kem dưỡng ẩm có thành phần chính là tinh dầu, lanolin, glycerin, protein, ure và vitamin. Một số loại kem còn bổ sung thêm thành phần acid alpha hydroxy (AHA) có tác dụng tẩy tế bào chết cho da để thích hợp với một số làn da khô quá mức.
Nên lựa chọn kem dưỡng ẩm có đầy đủ các thành phần trên để đạt hiệu quả cấp ẩm tốt nhất cho da. Thành phần glycerin có khả năng gây kích ứng da, làm đỏ hay ngứa rát, do đó ở một số người có làn da quá nhạy cảm không nên dùng kem dưỡng ẩm có glycerin.
Nên chọn kem dưỡng ẩm có chỉ số SPF từ 30 trở lên vừa giúp cấp ẩm trên da vừa giúp da chống lại tia UVB trong ánh sáng mặt trời. Da mặt mỏng, dễ tổn thương và phải tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng hơn các loại da vùng cơ thể khác, vì vậy nên lựa chọn kem dưỡng ẩm chuyên biệt cho da mặt.
Đối với người có làn da dầu, chọn loại kem chất nhẹ dạng gel dễ thấm, sản phẩm nên chứa các thành phần chiết xuất từ tự nhiên có tính kháng khuẩn. Không nên sử dụng kem có thành phần tẩy tế bào hoặc các thành phần làm khô dầu.
Đối với làn da khô, kem dưỡng ẩm nên có thành phần cấp ẩm mạnh hơn, ở dạng đặc, bổ sung các loại dầu, collagen, vitamin B, E và thành phần tẩy tế bào chết (AHA).
Đối với làn da hỗn hợp, khô ở vùng má và dầu ở vùng chữ T thì cần chú trọng phân biệt tình trạng da thiên khô hay thiên dầu để lựa chọn kem dưỡng ẩm. Đôi khi lựa chọn kem dưỡng ẩm phải theo mùa, theo thời tiết để phù hợp với tình trạng da lúc đó.
Trường hợp bạn có làn da khô quá mức nên đến các bác sĩ da liễu để đưa tư vấn sử dụng thuốc hay các loại mỹ phẩm thích hợp. Nên tạo thói quen sử dụng kem dưỡng ẩm cho da hằng ngày để làm da mịn màng, căng bóng, tăng tổng hợp collagen, làm chậm quá trình lão hóa và giúp da sáng khỏe hơn.
Như vậy, kem dưỡng ẩm có thành phần SPF là sản phẩm tích hợp cả hai tác dụng dưỡng ẩm và chống nắng. Tuy nhiên, nó không đạt được khả năng chống nắng như mong muốn, cần phải lựa chọn đúng loại kem dưỡng ẩm có SPF phù hợp với từng loại da và phối hợp sử dụng thêm một loại kem chống nắng trong chu trình chăm sóc da.